Diễn biến chính:
Ngày 14/10, các lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường sạt lở từ 3 mũi: đường không, đường thủy và đường bộ.
- Hàng không: Trực thăng trinh sát, phát hiện và cứu trợ lương thực, thực phẩm cho những người gặp nạn.
- Đường thủy: Cảnh sát đi thuyền máy và cano, lần lượt tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3, phát hiện một thi thể nam tại Rào Trăng 3, đưa về bệnh viện Đa khoa Bình Điền để xác nhận danh tính. Ngoài ra, cảnh sát di chuyển 19 công nhân, chuyên gia của Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 về TP Huế.
- Đường bộ: Hàng trăm người và hàng chục xe cơ giới, xe đặc chủng mở đường vào điểm sạt lở; đến 12h30 vào được trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 - nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích.
Việc tìm kiếm các nạn nhân tiếp tục diễn ra ở hiện trường.
Hiện trường vụ sạt lở trạm kiểm lâm. Ảnh: CTV
Chiều 14/10, sau hơn một ngày mở đường, lực lượng cứu hộ vào đến trạm kiểm lâm 67, nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Khu vực này cách UBND xã Phong Xuân hơn 14 km, cách thủy điện Rào Trăng 3 hơn 10 km.
Theo quan sát, hiện trường bị san phẳng, chỉ còn lại một phần mái tôn của trạm kiểm lâm, diện tích sạt lở lên đến cả nghìn m2.
Theo một quân nhân trở về từ hiện trường, nhiều tảng đá to như một xe 4 chỗ tràn xuống nơi trước đây là các gian nhà, bùn đất nhão nhoét và nước chảy ra từ núi. 3 xe múc được huy động đến đào bới, tìm kiếm từ các dấu vết còn sót lại của trạm kiểm lâm.
Lực lượng cứu hộ trong lán dã chiến dựng tại hiện trường sạt lở trạm kiểm lâm 67. Ảnh: CTV
Vụ sạt lở núi ở khu vực nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, khiến nhiều công nhân mất tích, diễn ra đêm 11/10. Nhận được thông tin này, ngày 12/10, đoàn công tác 21 người di chuyển vào thủy điện Rào Trăng 3 để cứu hộ. Đêm cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, trạm kiểm lâm Sông Bồ và dừng nghỉ tại đây. Nhà kiểm lâm có 4 gian, gồm 3 gian nghỉ và một gian bếp.Lúc 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ; 8 người thoát được ra ngoài, 13 người hiện mất tích, trong đó có Phó tư lệnh quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 10 cán bộ quân đội, 2 cán bộ địa phương.
Lúc 15h ngày 14/10, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, lực lượng cứu hộ đã đưa 19 người từ hai thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 theo đường thủy về an toàn; một thi thể công nhân tìm thấy ở Rào Trăng 3 cũng được đưa về. Như vậy còn 16 công nhân mất tích.
Vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 diễn ra đêm 11/10. Ngoài các công nhân không may bị vùi lấp, 40 người khác (gồm 3 chuyên gia Ấn Độ) thoát được ra ngoài, đi đường rừng đến thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn. Thủy điện Rào Trăng 4 nằm ở hạ nguồn sông Rào Trăng, cách Rào Trăng 3 khoảng 10 km, đều nằm ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền.
Chiều nay, 19 công nhân và một thi thể nêu trên được đưa về bằng cano, di chuyển trong một giờ từ khu vực hai thủy điện Rào Trăng 3 và 4 đến bến đò trạm kiểm lâm ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà).
Công tác cứu hộ bằng đường thủy đang diễn ra.
Lực lượng chức năng thống kê các công nhân được giải cứu, chiều 14/10. Ảnh: Võ Thạnh
Hai chuyên gia Ấn Độ làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Võ Thạnh
Vui lòng đợi ...