Thân chào các bác ! Trên phố ta, ngoài đồng hồ, bật lửa, máy móc cổ... các loại, thì "nhẫn Mỹ" cũng là một trong những thứ được chúng ta quan tâm và sưu tầm rất nhiều. Qua việc tham khảo các tài liệu, cùng với kinh nghiệm đúc kết được, ngày hôm nay em xin mạn phép trình bày một vài đặc điểm về nhẫn Mỹ (đơn cử là loại nhẫn trường học). Hy vọng nó sẽ phần nào giúp ích cho các bác sưu tầm loại hình này. Em cũng rất mong các bác cùng chia sẻ thêm kinh nghiệm và đóng góp ý kiến cho topic thêm phong phú ạ! Thân mến,
1. Nhẫn vàng (real gold) thì giá sẽ luôn cao hơn các kim loại không quý (lẽ đương nhiên!). Đại đa số là vàng 10k hoặc 14k (18k thì rất hiếm, hầu như không có, do độ bền không cao)
2. Nếu bên trong lòng nhẫn được đóng dấu những chữ sau đây, thì sẽ không phải là vàng thật (nhưng vẫn rất đáng sưu tầm!) : Ultrium (đây là “tên chất liệu” độc quyền của hãng Herff Jones, và nó thường được đóng dấu là : “HJ ULT”); Siladium, Valadium. Hãng Josten’s thường dùng ký hiệu “Josten’s LTM” (chữ LTM là viết tắt của “Lustrium”). Các chất này đều ở dạng hợp kim thép không rỉ, tuy không phải là kim loại quý, nhưng chúng lại có những ưu điểm đắt giá : không bao giờ bị xỉn màu và vẻ ngoài trông rất giống với vàng trắng 10k! Chất hợp kim này có chứa một lượng nickel nhất định, nên có thể gây dị ứng trên da cho một số người nếu đeo nhẫn lâu ngày.
3. Sterling silver (hợp kim bạc 925) có giá trị cao hơn so với các loại hợp kim thép nói trên. Nhẫn bạc thường được đóng dấu “sterling”, “sterling silver”, “ster silver” hoặc “ster” (có hoặc không kèm theo tên hãng sản xuất bên trong lòng nhẫn).
4. Riêng hãng Balfour còn có các loại nhẫn đặc biệt, được khắc chữ "Polara Plus" hoặc "Qazar Plus". Nhẫn này có chứa chất palladium, bạc và nickel. Palladium là chất thuộc họ Platinum quý giá, tuy nhiên về giá cả thì loại nhẫn này cũng không hơn nhẫn bạc.
5. Vàng (real gold) 10k hoặc 14k là loại nhẫn có giá trị sưu tầm cao nhất. Giá trị của nhẫn tùy thuộc vào độ mới-cũ, trọng lượng, trường học, năm học (hoặc là năm tốt nghiệp) và sự sắc sảo của các chi tiết được chạm khắc trên bề mặt nhẫn.

6. Phần lớn “gemstone” (đá ngọc) là “thật” (real gemstone) nhưng đều được “cấy” trong phòng thí nghiệm (“lab-grown” - nói nôm na là “đá nhân tạo” cho dễ hiểu). Đá không góp phần làm nên giá trị lớn cho chiếc nhẫn nhưng nếu bị sứt mẻ thì giá nhẫn sẽ giảm đáng kể!
7. Ngoài chất liệu tạo nên nhẫn thì các hình ảnh tượng trưng trên mặt nhẫn (vật biểu tượng, tiêu ngữ, hình ảnh mang tính sự kiện,…) cũng rất quan trọng đối với người sưu tầm.
8. Lưu ý cuối cùng (rất quan trọng cho việc phân biệt “real-fake”) : với chất liệu hợp kim “siêu bền” của nhẫn Mỹ (vàng cũng là "hợp kim vàng" nhé!), cho dù có trải qua một thời gian dài thì các chi tiết chạm khắc trên bề mặt vẫn luôn giữ được nét sắc sảo vốn có của nó, rất hiếm khi bị “mòn theo năm tháng” đến độ không còn nhìn rõ nét (loại trừ trường hợp bị trầy xước do va chạm mạnh).